Để quá trình đắp mặt nạ được phát huy tối đa tác dụng, việc tuân thủ thực hiện theo một quy trình chuẩn chỉ, đầy đủ các bước là vô cùng quan trọng:
1. Làm sạch da mặt: Đây là bước quan trọng có mặt trong hầu hết mọi quy trình chăm sóc da. Trước khi đắp mặt nạ, hãy đảm bảo làn da bạn đã được làm sạch kỹ lưỡng. Bởi nếu không, các loại bụi bẩn, dầu thừa và cặn trang điểm sẽ ngăn cản dưỡng chất từ mặt nạ dưỡng da thẩm thấu vào sâu bên trong da. Hãy sử dụng sữa rửa mặt phù hợp với tính chất loại da của bạn và rửa mặt nhẹ nhàng để làm sạch, tránh gây tổn thương da.
2. Cân bằng độ pH: Sau khi rửa mặt, toner sẽ là công cụ hữu dụng để cân bằng lại độ pH, cho làn da thật sự sẵn sàng trước khi bước vào quá trình đắp mặt nạ.
3. Thực hiện đắp mặt nạ đúng cách: Khi đắp mask, bạn chỉ nên thoa một lớp mỏng vừa phải, tán đều kem mặt nạ lên khắp các vùng da mặt, tránh thoa quá dày hoặc tập trung quá nhiều vào một khu vực để tránh kem bị vón cục, khiến da trở nên nặng nề, bí tắc lỗ chân lông. Nếu sử dụng mặt nạ giấy, hãy chắc chắn rằng mặt nạ được bao phủ ôm sát vào tất cả các vùng da trên khuôn mặt, đặc biệt là khu vực mũi, cằm.
4. Thời gian đắp mặt nạ: Thông thường, bạn chỉ nên đắp mặt nạ trong khoảng từ 15-20 phút. Không nên để mặt nạ trên da quá lâu vì chính điều này có thể gây phản tác dụng, khiến da bị khô thay vì cung cấp độ ẩm.
5. Rửa lại mặt sau khi đắp mặt nạ: Một câu hỏi phổ biến được nhiều người đặt ra đó là "đắp mặt nạ xong có cần rửa mặt không?". Câu trả lời tùy thuộc vào loại mặt nạ. Đối với các loại mặt nạ dưỡng ẩm hay mặt nạ vitamin C, bạn có thể không cần rửa mặt lại sau đó. Tuy nhiên, đối với những loại mặt nạ như mặt nạ đất sét hay các sản phẩm làm sạch sâu, bạn nên rửa sạch mặt sau khi đắp mặt nạ để loại bỏ bụi bẩn và bã nhờn.